Đăng Nhập 
07 Tháng Mười 2024
..:: TIN TỨC ::..
 Xem tin bài

Vệ tinh việt nam, niềm tự hào của dân tộc
18 Tháng Bảy 2012 :: 8:58 SA :: 1109 Views :: 0 Comments

Khoa học Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc, Chinh phục vũ trụ bằng vệ tinh tự chế.

Vệ tinh F-1 của Phòng nghiên cứu không gian FSpace, thuộc đại học FPT, sẽ bay vào vũ trụ cuối tuần này từ bãi phóng của Nhật Bản.

Vệ tinh F-1 do Phòng nghiên cứu không gian FSpace nghiên cứu. Ảnh: Hương Thu.

Theo kế hoạch, thời điểm phóng tên lửa bắt đầu lúc 11h18 (giờ Nhật Bản), tức 9h18 sáng (giờ Hà Nội) thứ 7 tuần này. Vệ tinh F-1 đã được lắp ghép lên tàu vận tải HTV-3 cùng 4 vệ tinh khác là RAIKO, FITSAT-1, WE WISH và TechEdSat, tất cả sẽ được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy HII-B tại bãi phóng Tanegashima của Cơ quan nghiên cứu và phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

F-1 có kích thước 10x10x10 cm và nặng 1 kg. Vệ tinh do nhóm FSpace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải "sống" được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.

Ngày 18/6/2009 khi lần đầu tiên nhóm FSpace mang F-1 từ trong phòng thí nghiệm ra ngoài trời để thử nghiệm liên lạc khoảng cách xa. Nhóm đã mang F-1 ra cầu Thăng Long (khoảng cách 7 km), sân bay Nội Bài (20 km) và cuối cùng là lên đỉnh núi Tam Đảo (50 km) hoạt động trong môi trường không phải phòng thí nghiệm. F-1 đã phát tín hiệu, liên lạc thành công với trạm điều khiển mặt đất (đặt tại tòa nhà FPT Cầu Giấy). FSpace đã ra lệnh từ xa cho F-1 chụp ảnh, đo đạc các thông số và gửi về.

Khi F-1 lần đầu tiên “xuất ngoại” sang Nhật Bản ngày 14/3/2011 (đúng 1 ngày ngay sau trận đại động đất kinh hoàng) để thử nghiệm rung động (vibration test). Lúc đó giáo sư Nakasuka của trường đại học Tokyo đã giúp FSpace thử nghiệm rung động cho vệ tinh.

Đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên của F-1 và tình cờ đó lại vào đúng thời khắc bị động đất, sóng thần. Thời điểm đó, Tokyo cũng bị cắt điện luân phiên, nhưng các giáo sư Nhật Bản đã ưu tiên cho FSpace thử nghiệm F-1. Chạy máy thử nghiệm rung động rất tốn điện nên họ phải tạm dừng những hoạt động khác. Cuối cùng F-1 đã vượt qua kỳ thử nghiệm rung động thành công.

Tháng 11/2011, F-1 được chuyển sang Mỹ cho công ty đối tác NanoRacks ở Houston, Texas để chuẩn bị kỳ đánh giá an toàn bay. Khi sang Mỹ, F-1 còn được di chuyển tới một số phòng thí nghiệm ở các bang khác để tiến hành các thử nghiệm cuối cùng.

Anh Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng nghiên cứu FSpace cho biết lần phóng này có điểm khác biệt lớn với những lần phóng vệ tinh truyền thống. Thông thường các vệ tinh được đặt trực tiếp lên tên lửa, sau khi được phóng lên, tên lửa sẽ đẩy vệ tinh ra quỹ đạo và vệ tinh bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, trước xu thế chế tạo các vệ tinh nhỏ đang phát triển mạnh trên thế giới kèm theo nhu cầu phóng tăng cao, các nhà khoa học mong muốn tìm kiếm hình thức khác nhiều cơ hội bay lên quỹ đạo hơn. Vì vậy, JAXA và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phối hợp đề xuất ý tưởng sử dụng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là nơi phóng các vệ tinh nhỏ vào không gian.

"Đây là ý tưởng mới. Trong lịch sử từng có 3 vệ tinh được thả ra từ trạm ISS là Nanosputnik 28/3/2005, SuitSat-1 3/2/2006 và Kedr 4/8/2011 với cách làm thủ công, tức là phi hành gia sẽ phải tiến hành một chuyến đi bộ ra không gian và thả vệ tinh ra ngoài. Làm như thế rất rủi ro và nguy hiểm cho vệ tinh và phi hành gia đó, nên JAXA đề xuất cách dùng cánh tay robot trên trạm ISS được điều khiển bởi phi hành gia để thả cho các vệ tinh nhỏ vào vũ trụ lần này, trong đó có F-1", anh Thư nói.

Theo anh Thư, nếu như thử nghiệm này thành công, thì chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều vệ tinh nhỏ nữa tiếp bước bay vào vũ trụ theo cách làm mới này.

Tháng 6 vừa qua, F-1 đã vượt qua kỳ đánh giá an toàn bay và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của JAXA. Sau đó, F-1 được chuyển tới Trung tâm vũ trụ Tsukuba, Nhật Bản để tập kết cùng 4 vệ tinh nhỏ khác. Giai đoạn lắp ghép vệ tinh lên ống phóng J-SSOD và đóng gói cẩn thận trên tàu vận tải HTV-3 đã hoàn thành. Tàu HTV-3 cũng đã được chuyển tới trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật để chờ ngày phóng lên không gian cuối tuần này.

Nguồn http://vnexpress.net

 
Comments
Hiện tại không có lời bình nào!
  Đăng lời bình

Trong phần này bạn có thể đăng lời bình





Gửi lời bình   Huỷ Bỏ

www.vantaiduongviet.com | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin
Được cung cấp bởi: www.eportal.vn